Du lịch vịnh Hạ Long, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy ấn tượng khi khám phá vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên thế giới nhưng chắc chắn cũng sẽ rất nhớ những món ăn ngon, những đặc sản của vùng biển này. Hãy cùng haloquangninh khám phá xem khi đi du lịch Hạ Long nên mua gì làm quà nhé!

5. Cá thu kho nước chè tươi

Biết tôi thích ăn cá thu kho nước chè nên cứ mỗi lần về thăm nhà, mẹ lại cặm cụi chuẩn bị nồi cá kho cho tôi. Cá thu ở Hạ Long được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc vào hàng tứ phẩm “chim, thu, nhụ, đé”, cá thu cũng có rất nhiều loại như cá thu tròn, cá thu máu và cá thu bè nhưng để kho nước chè thì cá thu tròn ngon hơn cả.




Cá thu tròn thường được bán tại các chợ Quảng Ninh nhưng có lẽ nhiều nhất là ở chợ Hạ Long, mỗi lần đi chợ với mẹ, mẹ thường chọn cá thu to khoảng 5 – 6 lạng/ con, mẹ bảo mua loại này về nấu mới ngon. Cá được mua về làm sạch, cắt thành khúc, để ráo nước. Bí quyết nấu món cá kho của mẹ còn có thêm miếng thịt ba chỉ và lớp mía chẻ xếp ở đáy nồi, sau đó xếp thịt ba chỉ bên trên, cuối cùng là xếp những miếng cá thu đã được hơ trên lửa cho nhỏ hết nước tanh, cứ thế xếp lần lượt một lớp cá một lớp thịt cho đến hết, mẹ bảo làm như vậy cái béo từ thịt mỡ ngấm vào miếng cá thu sẽ không bị khô mà càng thêm bùi, béo. Sau đó rưới thêm chút nước hàng, nước mắm và chút muối; đun đến khi nồi cá sôi bốc hơi thì đổ nước chè tươi sao cho ngập mặt cá; đậy vung đun nhỏ lửa vài tiếng hoặc đến lúc nước cạn hết, miếng cá săn lại thì mẹ nhanh tay rắc ít tiêu bột vào.

Miếng cá vừa mềm, vừa béo ngậy, mằn mặn thêm chút ngọt thơm của mía và nước chè thấm đẫm hương vị quê hương thật hấp dẫn. Bữa nào có cá thu kho nước chè là tôi lại ăn vèo mấy bát, vét đến miếng cháy cuối cùng mà vẫn thấy thòm thèm.

6. Cá ba gai

Ở Hạ Long có nhiều loại cá biển dùng để om riềng mẻ như cá ghim, cá đuối… trong đó có cá ba gai là ngon và thơm nhất. Đây là loại cá da trơn, nhiều nhớt và tanh vì thế khi chế biến, người ta thường phải cạo rửa thật sạch nhớt rồi để ráo. Gia vị dùng để nấu món cá ba gai om riềng mẻ bao gồm riềng, mẻ, mắm tôm, ớt bột hoặc hạt tiêu, bột canh và mì chính. Sau khi cá ướp xong thì để khoảng 20 phút cho ngấm gia vị rồi đặt nồi cá lên bếp đun nhỏ lửa, đến khi sôi thì trở đều miếng cá qua lại cho gia vị ngấm đều hai mặt. Nếu nồi cá bị khô thì chế thêm chút nước sôi, khi cá chín thì rắc thêm chút hành hoa thái nhỏ. Cá ba gai nên ăn nóng, có thể ăn kèm với rau thơm, bún.

Ngoài món cá om riềng mẻ, cá ba gai còn có thể kho, phơi khô hoặc nấu canh cũng rất ngon. Cá chế biến cũng rất đơn giản, cá làm sạch, tẩy mùi tanh bằng nước gừng pha với rượu trắng rồi xả nước để ráo. Cách chế biến cũng gần giống các loại cá khác như nấu riêng cá, nấu lẫn với dọc mùng, hoặc nấu với chuối xanh… sau đó thêm hành hoa và tía tô, chế đủ nước dùng để chan bún, ăn lúc nóng.

Lưu ý: Những người cao tuổi, người cao huyết áp và người thể trạng yếu khi ăn cá ba gai thì phải đặc biệt chú ý, vì cá ba gai có độ đạm rất cao.

Cá ba gai được bày bán nhiều ở chợ Hạ Long (ở đâu?), nếu muốn mua về làm quà, các bạn có thể ra đây chọn. Cá ba gai có hai loại: cá ba gai thịt trắng và ba gai thịt vàng, trong đó thịt vàng ăn ngon nhất. Để phân biệt hai loại cá này, các bạn nhớ để ý màu sắc của chúng nhé: cá thịt vàng thì da phớt trắng và có ánh vàng, còn cá thịt trắng thì da hơi sẫm màu và không có ánh vàng.

7. Sá sùng Quảng Ninh

Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại trùn biển, tên khác là sái sùng (hoặc phổ biến nhất là cách gọi sá sùng) hay sâu cát. Con sá sùng có màu nâu đỏ, nhìn qua giống như con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và đặc biệt trong ruột chứa toàn cát.

Sá sùng sinh sống trong hang sâu dưới cát, có nhiều ở vùng bờ biển huyện đảo Vân Hải, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn. Theo quan niệm Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, bổ dương khí.

Trước kia, người ta sử dụng sá sùng trong chế biến các loại nước dùng làm phở, hủ tíu, bún giúp cho nồi nước có hương vị đậm đà hơn. Còn ngày nay, sá sùng rất đắt và chủ yếu xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng hải sản.

Chế biến sá sùng không đơn giản, người ta phải lộn nó ra và chà xát thật kỹ với muối cho hết cát và mùi tanh, sau đó đem rửa nhiều lần cho đến khi chúng có màu trắng hồng.

Sá sùng tươi dùng để chế biến các món như xào chua ngọt, chiên, nướng, làm gỏi bóp chanh. Sá sùng khô thì đem rang lên, đến khi chín sẽ có màu vàng, mùi thơm nồng, sá sùng càng nhai kỹ sẽ càng thấy ngọt. Đến vùng biển Quảng Ninh, nếu có điều kiện hay may mắn thấy món này thì các bạn hãy thử một lần xem sao nhé.

Mua sá sùng ở đâu?

Các bạn có thể mua sá sùng ở chợ Hạ Long hoặc ra đảo Quan Lạn.